Giá xăng dầu. Dữ liệu giá xăng dầu Việt Nam
- Dữ Liệu KT TC
- Apr 16, 2022
- 4 min read
Xăng dầu là tên chung để chỉ các sản phẩm của quá trình công nghệ chưng cất, chế biến dầu thô, chất thải và các nguyên vật liệu khác để tạo ra các sản phẩm dùng làm nhiên liệu.

Các loại xăng dầu: Xăng động cơ, dầu điêzen, dầu hỏa, dầu madút, nhiên liệu bay; nhiên liệu sinh học và các sản phẩm khác dùng làm nhiên liệu động cơ, không bao gồm các loại khí hóa lỏng và khí nén thiên nhiên.
Nguyên liệu để sản xuất và pha chế xăng dầu bao gồm: Dầu thô, sản phẩm, bán thành phẩm xăng dầu, phụ gia và các chế phẩm khác.
Căn cứ theo quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP thì:
Kinh doanh xăng dầu bao gồm các hoạt động: Xuất khẩu (xăng dầu, nguyên liệu sản xuất trong nước và xăng dầu, nguyên liệu có nguồn gốc nhập khẩu), nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu, nguyên liệu; sản xuất và pha chế xăng dầu; phân phối xăng dầu tại thị trường trong nước; dịch vụ cho thuê kho, cảng, tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển xăng dầu.
Cơ sở kinh doanh xăng dầu bao gồm: Cảng chuyên dụng, nhà máy sản xuất, xưởng pha chế, kho, phương tiện vận chuyển và cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Giá xăng dầu thế giới là giá các sản phẩm xăng dầu được giao dịch trên thị trường quốc tế do Bộ Công Thương xác định và công bố.
Giá cơ sở được xác định dựa trên các yếu tố hình thành giá tổng hợp từ các nguồn xăng dầu sản xuất trong nước, nhập khẩu; làm căn cứ để cơ quan nhà nước xác định giá điều hành (giá cơ sở trừ (-) đi mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá), là căn cứ cho việc quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong nước (riêng dầu madút là giá bán buôn).
Giá cơ sở bao gồm các yếu tố và được xác định bằng (=) {Giá CIF cộng (+) Thuế nhập khẩu cộng (+) Thuế tiêu thụ đặc biệt} nhân (x) Tỷ giá ngoại tệ cộng (+) Thuế giá trị gia tăng cộng (+) Chi phí kinh doanh định mức cộng (+) mức trích lập Quỹ Bình ổn giá cộng (+) Lợi nhuận định mức cộng (+) Thuế bảo vệ môi trường cộng (+) Các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành; được tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc quy định tại Khoản 1 Điều 31 Nghị định này. Trong đó:
Giá CIF là giá xăng dầu thế giới cộng (+) Phí bảo hiểm cộng (+) Cước vận tải về đến cảng Việt Nam;
Tỷ giá ngoại tệ để tính giá CIF là tỷ giá ngoại tệ bán ra của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc theo quy định;
Tỷ giá ngoại tệ tính thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt là tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc quy định tại Khoản 1 Điều 31 Nghị định này;
Thuế nhập khẩu, Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế giá trị gia tăng, Thuế bảo vệ môi trường; chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức; Quỹ Bình ổn giá; các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có 2 nhà máy sản xuất xăng dầu, bao gồm:
Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đưa vào hoạt động từ năm 2009
Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, đưa vào hoạt động năm 2018.
Cả 2 nhà máy hiện đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu cả nước (khoảng 20-21 triệu tấn xăng dầu/năm). Nguồn dầu thô dùng cho các Nhà máy Dung Quất và Nhà máy Nghi Sơn vẫn phải nhập khẩu.

Biến động của giá dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những nhóm ngành:
Kết quả nghiên cứu trong ấn phẩm “Đánh giá kinh tế Việt Nam 2018” do trường đại học Kinh tế Quốc dân phát hành cho thấy: chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng ngay sau khi giá xăng dầu tăng khoảng 0,18%. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng khiến chi phí trung gian của nền kinh tế tăng 0,39%, tỷ lệ chi phí trung gian trên giá trị sản xuất tăng lên 0,1 điểm phần trăm. Từ đó dẫn đến chỉ số giá bán cho người mua tăng 0,25%.
Kết quả tính toán trong nghiên cứu cũng cho thấy, có những nhóm ngành bị ảnh hưởng mạnh và ngay lập tức. Cũng có những nhóm ngành ít bị ảnh hưởng ngay từ đầu, nhưng lại chịu ảnh hưởng nhiều ở những vòng sau.
Do xăng dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất, việc tăng giảm giá dầu sẽ có những ảnh hưởng nhất định (tăng giảm chi phí) đến các doanh nghiệp và nền kinh tế, trong đó, vận tải được xem là một trong những ngành bị tác động nhiều nhất.
5 nhóm ngành chịu tác động trực tiếp và mạnh từ việc tăng giá dầu gồm có: dịch vụ vận chuyển, lưu trữ và bưu chính (1), dịch vụ lưu trú và ăn uống (2), thủy sản (3), dịch vụ khí đốt, cấp thoát nước, xử lý nước thải và chất thải (4) và dịch vụ vận tải, kho bãi (5).
5 nhóm ngành chịu tác động từ vòng sau là: sản phẩm kim loại (1), sản xuất thực phẩm đồ uống và thuốc lá (2), sản phẩm hóa chất, cao su, nhựa, thuốc, hóa và dược liệu, khoáng phi kim loại (3), sản xuất xe có động cơ, rơ mooc (4) và khai khoáng (5). Đây là những nhóm ngành sử dụng sản phẩm đầu vào từ ngành khác nhiều, nên tác động của việc tăng giảm giá sẽ có độ trễ.
Comments